Doanh nghiệp nhựa lao đao vì giá nguyên liệu tăng cao, 'ông lớn' tranh thủ giành thêm thị phần
Doanh nghiệp nhựa lao đao vì giá nguyên liệu tăng cao, 'ông lớn' tranh thủ giành thêm thị phần
Về phía cầu, việc Covid-19 tái bùng phát ở một số nước châu Á đang thách thức triển vọng phục hồi của nhu cầu. Đặc biệt là Ấn Độ, thị trường tiêu thụ PVC lớn nhất thế giới, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động kép từ đại dịch Covid-19 và gió mùa ảnh hưởng trên toàn đất nước, thường vào giữa tháng 6 đến tháng 9 hoặc kéo dài hơn trong một số năm, làm trì trệ các hoạt động xây dựng, nông nghiệp và hậu cần.
Về phía cung, nguồn cung đang phục hồi khi các nhà sản xuất lớn ở Mỹ đang bắt đầu sản xuất trở lại sau quá trình bảo trì, điều này đang làm hạ nhiệt và cân bằng nguồn cung cầu trên toàn cầu. Do đó, giá PVC được dự báo sẽ tiếp tục bình ổn, từ đó tác động tích cực đến biên lợi nhuận của các nhà sản xuất ống nhựa.
Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho hay Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) đã nâng giá bán 2 lần, tổng cộng 14,5% so với đầu năm (thấp hơn so với mức tăng 20-28% từ các đối thủ), để mở rộng thêm thị phần, bù lại phải hi sinh một phần lợi nhuận trong ngắn hạn.
Ban lãnh đạo BMP cho biết một số nhà sản xuất nhựa quy mô nhỏ có vẻ đang phải chịu nhiều thiệt hại, việc sản xuất bị đình trệ, trong khi một số nhà sản xuất phải rời khỏi ngành khi giá PVC tăng cao. Điều này tiếp tục thúc đẩy sự hợp nhất trong ngành ống nhựa.
"Một số nhà sản xuất đầu ngành như BMP và Công ty Cổ phần Nhựa Tiền Phong (HNX: NTP) với thị phần cuối năm 2020 lần lượt chiếm 27,5% và 22,5%, được hưởng lợi nhiều nhất, giành thêm thị phần trong quá trình này", báo cáo của BVSC viết.
BVSC nhận định triển vọng kết quả kinh doanh quý II/2021 của BMP kém khả quan nhưng áp lực sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm 2021.
Do giá PVC tăng mạnh trong giai đoạn tháng 4-5/2021, BVSC dự kiến kết quả kinh doanh của BMP trong quý II vẫn ở mức thấp và sẽ khởi sắc hơn trong giai đoạn cuối năm. Cụ thể, lợi nhuận ròng quý II/2021 của BMP được dự báo giảm 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 109,4 tỷ đồng.
Mức giảm lợi nhuận sẽ thu hẹp lại trong quý III/2021, dự báo đạt 126,6 tỷ (giảm 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái) trước khi tăng lên mức 146,5 tỷ vào quý IV/2021 (tương đương tăng 32,1% so với mức cơ sở thấp trong quý IV/2020).
Tựu trung, BVSC dự báo doanh thu thuần năm 2021 của BMP tăng 17% lên 5.481 tỷ và lợi nhuận ròng giảm 10,8% xuống 466,4 tỷ.
Công ty chứng khoán này cho rằng triển vọng hồi phục sẽ rõ ràng hơn trong năm 2022 khi cung cầu PVC sẽ tiếp tục cải thiện, giúp giá PVC bình ổn. Doanh thu thuần theo đó đạt 5.636 tỷ (tăng 2,8%) và lợi nhuận ròng đạt 532,4 tỷ (tăng 14,2%).
Công ty Chứng khoán MB (MBS) thì cho rằng nhu cầu xây dựng được dự báo vẫn chưa thể hồi phục khi mà ngành bất động sản vẫn chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu tích cực nào. Do đó, ngành ống nhựa vẫn tiếp tục trong tình trạng thừa cung khi cung luôn cao hơn từ 1,8-2 lần so với cầu toàn thị trường.
"Các doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn với thị phần lớn và tiềm lực tài chính mạnh như BMP hay NTP", báo cáo phân tích của MBS cho hay.
Trong năm 2021, BMP đặt kế hoạch doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng (tăng 10,6%) và lợi nhuận sau thuế đạt 523 tỷ đồng (đi ngang so với năm 2020). Tuy nhiên, với tình hình giá nguyên vật liệu tiếp tục gia tăng trong thời gian vừa qua cùng với việc làn sóng Covid-19 mới xuất hiện vào đầu tháng 5, MBS ước tính doanh thu của BMP sẽ đạt 5.130 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 440 tỷ đồng trong năm nay.